Những điều cần phải lưu ý khi mua nhà dự án

Trước khi góp tiền mua căn hộ, khách hàng nên hỏi thêm các nội dung liên quan để khỏi phải ấm ức về sau.
Nhiều luật sư, chuyên gia địa ốc lưu ý khách hàng nên cân, đong, đo, đếm trước khi ký hợp đồng . Nếu không cẩn trọng, khách hàng có thể “sống dở chết dở” với số tiền nhận lại do hợp đồng bỗng dưng bị vô hiệu.
1. Thời gian giao căn hộ
Các hợp đồng thường ràng buộc rất kỹ nghĩa vụ thanh toán tiền của khách hàng. Ví dụ, khách hàng phải nộp tiền theo tiến độ thi công chung cư: Khi ký hợp đồng, nộp bao nhiêu; khi chủ đầu tư xây xong phần thô và khi nhận căn hộ thì nộp bao nhiêu… Thế nhưng chủ đầu tư lại không nêu thời gian bàn giao căn hộ. Nhiều hợp đồng chỉ ghi chung chung “thời gian dự kiến thi công”, “tổng thời gian thi công”…

Để dự án không bị cố ý kéo rê theo kiểu chủ đầu tư mượn vốn ứng của khách hàng để kinh doanh vào việc khác, người mua cần đề nghị chủ đầu tư làm rõ thời hạn dự kiến giao nhà, thời điểm giao nhà cụ thể.
2. Lãi chậm giao nhà
Nếu chậm đóng tiền theo thỏa thuận trong hợp đồng, khách hàng có thể phải chịu phạt theo tỉ lệ % nào đó. Song nếu chủ đầu tư chậm giao căn hộ thì sao?

Theo lưu ý của nhiều chuyên gia, người mua phải đề nghị chủ đầu tư ghi vào trong hợp đồng khoản lãi phạt khi chậm giao nhà. Thời gian trả lãi được khống chế là bao lâu? Nếu quá hạn mà chủ đầu tư vẫn không giao nhà thì khách hàng có được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không và khi đó chủ đầu tư phải chịu phạt bao nhiêu phần trăm trên giá trị hợp đồng?
3. Thiết kế nội thất
Cách tính diện tích căn hộ cũng là một trong những nội dung dễ gây tranh chấp giữa hai bên. Có nhiều cách tính như tính từ tim tường, tính phủ bì, tính lọt lòng, tính cả cột, cả hộp gen… Không yêu cầu làm rõ thì khi nhận căn hộ khách hàng rất khó bắt đền nếu đo lại không đủ diện tích. Trên thực tế từng có trường hợp khách hàng “kiện” nhà nhỏ quá thì chủ đầu tư bảo diện tích thỏa thuận gồm hai phần, phần diện tích nhà và phần diện tích cho xe ô tô trong tầng hầm!


Khách hàng cũng cần lưu ý thiết kế chung của tòa nhà ảnh hưởng như thế nào đến đời sống. Trong đó quan trọng là khu vực chứa rác, họng thu gom rác. Nhiều trường hợp chủ đầu tư thiết kế khu vực rác sát bên thang máy, rác từ trên đổ xuống tầng hầm. Khi cư dân đứng chờ thang ở tầng hầm sẽ phải ngửi mùi khó chịu. Họng rác của từng tầng quá gần cửa chính của một vài căn hộ cũng có thể gây phản cảm.

Về chỗ để xe, thông thường chủ đầu tư chỉ xây dựng tầng hầm để xe đủ cho mỗi hộ gửi hai xe máy, bốn hộ thì có một chỗ đậu xe ô tô. Khách hàng cần xem kỹ dự án, phần diện tích cho xe có tương xứng với quy mô, số lượng căn hộ hay không, trong hợp đồng có nói rõ lượng xe cho từng căn hộ hay không… Nên nhớ sau khi chung cư được đưa vào sử dụng ổn định, nếu lượng xe ô tô tăng lên, gây chật chội về chỗ đậu xe thì lúc đó cư dân không thể giải quyết và cũng không thể làm gì đối với chủ đầu tư.
4. Quyền lợi sau khi mua
Khách hàng cũng cần chú ý thêm các điều khoản về nghĩa vụ thuế, về nghĩa vụ làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận căn hộ. Đã có trường hợp chủ đầu tư đẩy cho khách hàng nghĩa vụ làm hồ sơ xin cấp chủ quyền với sàn giao dịch bất động sản…

Cư dân thường cho rằng tiền thu được từ quảng cáo panô trên nóc tòa nhà, quảng cáo trong thang máy… phải được đưa vào chi phí quản lý nhằm giảm gánh nặng phí quản lý cho cư dân. Thế nhưng nhiều chủ đầu tư đã giành quyền khai thác quảng cáo trên các tài sản chung này. Trước khi góp tiền mua căn hộ, khách hàng nên hỏi thêm các nội dung liên quan để khỏi phải ấm ức về sau.
5. Uy tín của chủ đầu tư
Hợp đồng thường do chủ đầu tư đưa ra, trong đó chủ đầu tư luôn nắm “phần cán”. Cho nên nói cân nhắc này nọ chứ thực ra khách hàng ít có khả năng “khiển” được chủ đầu tư chỉnh sửa hợp đồng. Lại nữa, khách hàng chỉ mua một căn hộ, một hợp đồng, còn chủ đầu tư bán cả ngàn căn hộ, cả ngàn hợp đồng. Nếu mỗi hợp đồng sửa một chút thì quả thật là không quản lý nổi.

Do đó khách hàng cũng nên lựa lời mà phân tích, mình nói đúng thì chủ đầu tư cũng sẽ xem lại và có thể chỉnh sửa mẫu hợp đồng chung. Bởi lẽ khi thị trường hiện nay có nhiều dự án, bản thân chủ đầu tư cũng sợ không bán được căn hộ.

Điều quan trọng mà người góp vốn cần cân nhắc là uy tín, thương hiệu, sự chuyên nghiệp của chủ đầu tư, chủ đầu tư có nhiều dự án trước đó hay chưa, các dự án đó có “êm ái” hay không.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *